Tử Cấm thành (紫禁城) thuộc quần thể di tích cố đô Huế là trung tâm sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Tử Cấm thành có vị trí sau lưng điện Thái Hòa, được khởi xây năm Gia Long thứ 3 (1804) gọi là Cung thành (宮城) và các vua triều Nguyễn xây dựng thêm. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822)[1], vua đổi tên là Tử Cấm thành, nghĩa là thành cấm màu tía. Theo nghĩa hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử, Cấm Thành là khu thành cấm dân thường ra vào[2]. Trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau được phân chia làm nhiều khu vực, tổng số công trình đó biến động qua các thời kỳ lịch sử.
Không gian kiến trúc Hoàng thành và Tử Cấm thành có mối liên quan chặt chẽ với nhau về sự phân bố vị trí của các công trình dựa theo chức năng sử dụng. Tử Cấm thành nằm trong lòng Hoàng thành, cả hai vòng thành này với một hệ thống cung điện ở bên trong thường được gọi chung là Hoàng cung hay Đại Nội.
Xét về bình diện, Tử Cấm thành là một hình chữ nhật có cạnh là 324 x 290,68m, chu vi là 1.229,36m, thành cao 3,72m, dày 0,72m xây hoàn toàn bằng gạch vồ. Về kiến trúc, Tử Cấm thành cũng như Đại Nội có những điểm chính sau[3]:
- Bố cục mặt bằng của hệ thống kiến trúc chặt chẽ và đăng đối. Các công trình đều đối xứng từng cặp qua trục chính (từ Ngọ Môn đến lầu Tứ Phương Vô Sự) và ở những vị trí tiền, hậu; thượng, hạ; tả, hữu; luôn nhất quán (tả văn hữu võ, tả nam hữu nữ, tả chiêu hữu mục). Con số 9 và 5 được sử dụng nhiều trong kiến trúc vì theo Dịch lý, con số ấy ứng với mạng thiên tử.
- Bố cục của hệ thống Hoàng cung biểu hiện rõ tư tưởng độc tôn quân quyền. Tử Cấm thành là một tiểu vũ trụ của hoàng gia, trong đó đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt: ăn ở, làm việc, học tập, nghỉ ngơi, giải trí, điện Càn Thành là nơi vua ăn ngủ tọa lạc tại trung tâm của vũ trụ đó.
Tử Cấm thành có 7 cửa: nam là Đại cung (Đại Cung môn) kết cấu hoàn toàn bằng gỗ, lợp ngói hoàng lưu ly; đông là cửa Hưng Khánh và cửa Đông An, về sau lấp cửa Đông An, mở thêm cửa Duyệt Thị ở phía đông Duyệt Thị Đường, ở mặt này cũng mở thêm cửa Cấm Uyển nhưng rồi lại lấp; tây là cửa Gia Tường và Tây An; bắc là cửa Tường Loan và Nghi Phụng (trước năm 1821 mang tên Tường Lân), dưới thời Bảo Đại, sau khi xây lầu Ngự Tiền Văn phòng mở thêm cửa Văn phòng.
Bên trong Tử Cấm thành bao gồm hàng chục công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau, phân chia làm nhiều khu vực. Đại Cung môn là cửa chính vào Tử Cấm thành được xây vào năm 1833. Sau Đại Cung môn là một sân rộng rồi đến điện Cần Chánh, là nơi vua làm việc và thiết triều. Cách bố trí, sắp đặt trong điện Cần Chánh cũng tương tự điện Thái Hòa, gian giữa đặt ngai vua, tả hữu treo bản đồ thành trì các tỉnh.
Hai bên điện Cần Chánh có nhà Tả Vu và Hữu Vu là nơi các quan ngoài chờ và sửa sang, chỉnh đốn quan phục trước khi thiết triều. Chái bắc Tả Từ Vu là viện Cơ Mật, chái nam là phòng Nội Các, nơi đây tập trung phiến tấu của các Bộ, nha trình vua ngự lãm. Sau lưng điện Cần Chánh trở về bắc là phần Nội Đình là khu vực ăn ở, sinh hoạt của vua và gia đình cùng những người phục vụ. Điện Càn Thành là nơi vua ở, trước điện có cái sân rộng, ao sen và bức bình phong chắn điện Càn Thành và điện Cần Chánh.
Cung Khôn Thái nằm ở phía bắc điện Càn Thành, bao gồm điện Khôn Thái, điện Trinh Minh... là nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng Quý Phi và các phi tần mỹ nữ thuộc Nội Cung. Nguyên dưới triều Gia Long tên là cung Khôn Đức, đến triều Minh Mạng thứ 14 (1833), vua đổi tên là Khôn Thái.
Sau cung Khôn Thái là lầu Kiến Trung, trước đây là lầu Minh Viễn do Minh Mạng làm năm 1827, lầu có 3 tầng cao 10.8m, lợp ngói hoàng lưu ly, trên lầu có kính viễn vọng để vua quan sát cảnh từ xa. Năm Tự Đức thứ 29, lầu Minh Viễn bị triệt giải, đến năm 1913, vua Duy Tân cho làm lại lầu khác theo kiểu mới gọi là lầu Du Cửu. Năm Khải Định thứ nhất (1916), cải tên lại là lầu Kiến Trung.
Ngoài những công trình chính trên được sắp đặt trên một đường thẳng sau cửa Đại Cung, Tử Cấm thành còn có những cung điện, lầu tạ khác hai bên tả hữu là khu vực phục vụ việc ăn uống, sức khỏe và giải trí của vua và hoàng gia như: Thượng Thiện đường, Thái Y viện, Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, vườn Ngự Uyển, gác Đông Các, Tu Khuê tơ lầu, điện Quang Minh (chỗ ở của Đông Cung hoàng tử), điện Trinh Minh (chỗ ở của các bà phi), viện Thuận Huy (chỗ ở của các bà Tân), Duyệt Thị đường, lục viện... Ngoài ra, còn có một số công trình kiến trúc khác dành cho tín ngưỡng tâm linh như chùa thờ Phật, miếu thờ trời, tinh tú và Quan Công.
Vua[sửa | sửa mã nguồn]
- Làm việc
Vua làm việc tại chái đông điện Cần Chánh. Bên trong chái lót ván và trải chiếu hoa, xung quanh là cửa kính. Vua làm việc một mình, có vài thị nữ đứng hầu để lo mài son, thắp thuốc, dâng trà hay đi truyền lệnh vua. Chương sớ trong ngoài dâng lên nếu không quan trọng thì điện dụ cho các nha nghị chỉ phê phát, việc quan trọng thì nghị soạn bối chỉ, hoặc giao bản thảo, hoặc châu phê. Điện Cần Chánh là nơi vua tổ chức lễ thiết triều, ngoài ra là nơi vua tiếp đón các sứ bộ quan trọng hay tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ.
- Ăn và ngủ
Tác giả Tôn Thất Bình trong "Đời sống trong Tử Cấm thành" ghi lại:
Điện Càn Thành là nơi vua ăn ngủ. Thường lệ vua ăn mỗi ngày 3 bữa vào lúc 6h30; 11h và 17h, thức ăn do đội Thượng Thiện nấu. Thực đơn mỗi bữa chính gồm 50 món khác nhau, đời vua Khải Định lại chỉ có 35 món, mỗi món do một đầu bếp phụ trách, thức ăn đựng trong một bình kín, ngoài có nhãn ghi tên món ăn. Theo tiền lệ, vua chỉ ăn một mình và có 5 cung nữ phục vụ, riêng vua Duy Tân là vua đầu tiên phá lệ này, vua cho phép vợ là bà Mai Thị Vàng cùng ăn chung mâm, vua Bảo Đại cùng ăn chung với Nam Phương hoàng hậu và các hoàng tử, công chúa.
Hàng ngày, có 30 cung nữ được chọn để phục dịch đức vua, họ chia nhau canh gác xung quanh hậu cung và chỉ có năm người luôn ở cạnh vua, luân phiên săn sóc, trang điểm, thay quần áo, chải chuốt móng tay, xức dầu thơm, vấn khăn lụa..., 5 cung nữ này cũng là người lo hầu cơm nước cho vua. Khi vua "ngự ngơi" (nghỉ về ban ngày), 5 người này có phận sự riêng như quạt hầu, đấm bóp, têm trầu, vấn thuốc... một cung nữ chực đợi vua sai gì thì làm ngay và một cung nữ hát nhè nhẹ để ru vua ngủ.
- Tiêu khiển
Vua Tự Đức thường chơi đầu hồ tại điện Cần Chánh, vua Duy Tân thì thường chơi đánh "lũ" với các cô em của bà phi. Thi thoảng vào chiều Chủ Nhật, vua Duy Tân lại cưỡi ngựa ra khỏi Tử Cấm thành ra tận các của thành như là Thượng Tứ, Nhà Đồ... Vua Thiệu Trị lại ưa danh lam thắng cảnh núi non, vua Minh Mạng lại ưa vùng biển, còn Tự Đức lại thích săn bắn...
Các vua triều Nguyễn thích xem hát bội (hát tuồng), vua Minh Mạng cho xây Duyệt Thị Đường trong Tử Cấm thành vào năm 1826, đây là nhà hát có quy mô lớn nhất trong các nhà hát tại hoàng cung. Để phục vụ riêng cho vua và hoàng phi xem hát tuồng, điện Cao Minh Trung Chính (dựng năm Gia Long thứ 3, 1804) đã dành hiên phía đông của điện để làm nơi biểu diễn gọi là "viện Tĩnh Quan". Vua Thành Thái là người thường xem diễn tuồng nơi đây, vua không chỉ là người đánh trống chầu giỏi mà đôi lần, vua còn lên sân khấu để diễn tuồng với vai "Thạch Giải" (tuồng Xảo Tống).
Phi, Tần, Mỹ nữ[sửa | sửa mã nguồn]
Trong Tử Cấm thành, Hoàng quý phi ở trong điện Khôn Thái, vị trí và cuộc sống Hoàng quý phi là cao nhất trong các phi tần.
Điện chính của cung Khôn Thái là điện Cao Minh Trung Chính được xây năm 1804 tức năm Gia Long thứ 3. Chính tịch 7 gian, tiền tịch, hậu tịch đều 9 gian, diện làm theo kiểu "trùng thiềm trừng lương", lợp ngói âm dương. Cung Khôn Thái ở vị trí ngay sau lưng điện Càn Thành.
Về thứ tự cấp bậc phi tần, Minh Mạng năm thứ 17 đặt làm chín bậc: Hoàng quý phi ở trên bậc nhất giúp Hoàng thái hậu trông coi lương thực và chỉnh tề công việc bên trong cung. Quý phi, Hiền phi, Thần phi bậc nhất hay là "nhất giai phi". Đức phi, Thục phi, Huệ phi bậc nhì hay là "nhị giai phi". Quý tần, Hiền Tần, Trang tần bậc ba hay là "tam giai tần". Đức tần, Thục tần, Huệ tần bậc bốn hay là "tứ giai tần". Lệ tần, An tần, Hoà tần làm bậc năm hay là "ngũ giai tần". Tiệp dư làm bậc sáu hay là "lục giai tiệp dư". Quý nhân làm bậc bảy hay là "thất giai quý nhân". Mỹ nhân làm bậc tám hay là "bát giai mỹ nhân", và Tài nhân làm bậc chín hay là "cửu giai tài nhân". Dưới tài nhân là "tài nhân vị nhập giai", là những người được tuyển chọn để làm tài nhân, kế dưới là cung nga thể nữ. Để tuyển cung phi, triều đình thường chọn các con gái của quan đại thần trong triều, con của người nào có phẩm trật cao thì được tuyển vào cấp bậc cao, phẩm trật thấp thì cấp bậc thấp. Con của thường dân được tuyển vào cung là những trường hợp đặc biệt, phải đẹp và khi mới tuyển thì chưa được xếp vào cửu giai mà chỉ được gọi là "tài nhân vị nhập lưu"
Cung Khôn Thái là nơi dành riêng cho Hoàng quý phi ở, điện Trinh Minh là nơi ở của các bà phi, viện Thuận Hy là nơi các bà Tần ở, ngoài ra còn có viện Đoan Huy, Đoạn Thuận, Đoan Hoà, Đoan Trang và Đoan trường là chỗ ở của các bậc Tiệp dư, Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân cùng những tài nhân vị nhập giai, các viện trên gọi là "lục viện". Để tổ chức mọi việc liên quan đến sự quản lý, dạy dỗ các cung phi và giữ gìn các dồ vật trong nội cung, triều đình đặt ra chức Lục Thượng, do các quan nữ đảm nhận. Quan nữ thường là các bà trong nội cung được vua tin tưởng hay do triều đình tuyển dụng, người đứng đầu tổ chức nữ quan là Hoàng quý phi. Nữ quan cũng được chia thành 6 bậc là Quản sự, Thống sự, Thừa sự, Tùy sự, Tòng sự và Trưởng ban.
Cuộc sống, công việc của các phi tần trong Tử Cấm thành nhàn hạ, no đủ về vật chất tuy nhiên địa vị phụ thuộc cấp bậc của mình và sự yêu mến của vua. Trong thời gian mới thu nhận vào Tử Cấm thành, họ phải tập trung tại Đoan Trang viện để học mọi phép tắc, luật lệ, nghệ thuật xử thế, các điều cấm kị, học nghệ thuật phục vụ vua, ăn nói, đi đứng.v.v... Cung nữ có thể giải trí, hóng mát, xem hoa tại các vườn thượng uyển hay câu cá, sáng tác thơ ca, đọc truyện... hay trong kỳ đại lễ cũng được xem tuồng cùng vua. Khi vua băng hà, các bà phi phải lên chăm lo hương khói tại lăng vua, sau hai năm lại trở về cung Diên Thọ để phục vụ Hoàng thái hậu.
Các cung phi may mắn được phục vụ và được vua yêu mến sẽ được tấn phong đến chức cung giai cao nhất, tuy nhiên số này hiếm hoi, phần đông phải chịu thân phận bỏ rơi trong lục viện. Kể từ khi được tuyển hay tiến cung, các phi tần không được gặp cha mẹ, người thân trừ một vài trường hợp đặc biệt được nói chuyện với mẹ qua bức màn sáo che, còn người cha phải đứng ngoài sân. "Đưa con vô nội" là câu nói người Huế với hàm ý như đã "mất con rồi". Trong triều Nguyễn, có 2 lần cung phi được thoát khỏi Tử Cấm thành, lần thứ nhất vào năm Minh Mạng thứ sáu (triều đình cho ra 100 người để giải trừ thiên tai) và năm 1885, khi kinh đô thất thủ, tất cả cung phi đều chạy thoát ra khỏi hoàng thành.[4].
Thái giám[sửa | sửa mã nguồn]
Trong Tử Cấm thành, thái giám lo việc tổ chức quản lý cung tần mỹ nữ nơi hậu cung. Công việc của họ là hầu hạ nhà vua trong các việc liên quan đến chuyện gối chăn, thái giám lo sắp xếp thứ tự, lên danh sách các phi tần và sắp xếp giờ để vua gặp gỡ, ghi chép lại danh tánh các bà phi đó cùng với giờ giấc, ngày tháng cẩn thận để sau này nếu bà phi có con với vua sẽ được xác nhận. Một số thái giám khác được điều sang phục dịch, hầu hạ các cung phi goá bụa của vua đời trước tại các lăng tẩm nhưng chố ăn, ở và phục dịch thường xuyên của họ vẫn là Tử Cấm thành. Để phân biệt, thái giám được cấp trang phục riêng bằng lụa xanh dệt hoa trước ngực, đội một thứ mũ cứng hoặc khăn đóng. Khi sống, họ lo phục dịch trong Tử Cấm thành hoặc lăng tẩm, khi già yếu, họ buộc phải rời Đại Nội, ra dưỡng bệnh hoặc nằm chờ chết tại một tòa nhà ở phía bắc Hoàng thành, đó là cung Giám Viện.
Trong Tử Cấm thành, điện Cần Chánh là nơi vua thiết triều hay tổ chức lễ Khánh thọ đại khánh, lễ tấn phong đông cung thái tử, lễ khải hoàn, sách phong cung giai... Triều Nguyễn còn đặt ra nhiều yến tiệc với những lễ nghi, quy chuẩn rất phong phú và cụ thể để mừng một dịp tiết lễ hay một sự kiện trong thời đại nào đó, vừa để ban thưởng cho những hoàng thân quốc thích hay những bề tôi có công giúp rập vương triều phong kiến trong việc "bình hồ, trị quốc".[5]
- Lễ thường triều
Nghi lễ thiết triều diễn ra vào ngày sóc, ngày vọng. Đến ngày lễ, trân thiết nghi lễ thường triều tại sân điện Càn chánh. Hoàng tử, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên đều mặc áo mũ thường triều đứng theo ban thứ. Vua lên bảo toạ, bách quan vào chầu lạy xong thì nha lục bộ, viện Đô sát, nội các tiếp theo thứ tự tâu việc, sau đó lĩnh chỉ vua để tuân theo làm.
- Lễ ngày thường vua ngự điện nghe chính sự
Ngoài lễ nghi thiết triều, hàng tháng, vào ngày lẻ vua ngự điện Cần Chánh nghe chính sự, hoặc ngày thường vua ngự điện riêng (như Văn Minh, Vũ Hiển) triệu các quan vào hỏi. Những viên quan nhỏ như Đốc, Phủ, Đề đốc, Bố, Án, Đốc học... thỉnh thoảng được cũng được dự vào triều tham để thỏa lòng thành.
- Tiệc yến tiết Nguyên đán
Tổ chức vào ngày mồng 1 Tết ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu ban cho thân phiên (vua các nước chư hầu), hoàng thân, quan lại cao cấp... và ngày mồng 2 Tết tại Viện Ðãi Lậu cho quan văn từ lục phẩm và quan võ từ ngũ phẩm trở xuống cùng với ủy viên các tỉnh. Sau yến tiệc, mỗi người đều được thưởng một đồng tiền vàng hay bạc tùy theo thứ bậc.
- Tiệc yến tết Ðoan dương
Tổ chức sau tết Ðoan dương (5 tháng 5 âm lịch) một ngày tại điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu, ban cho các quan võ từ phó vệ úy, hiệp quản; quan văn từ khoa đạo viên ngoại lang trở lên. Tặng phẩm ban thưởng sau yến tiệc là trà, quả hộp, khăn mặt, quạt bằng tre hoa tùy theo thứ bậc.
- Tiệc yến tiết Vạn Thọ
Nhân sinh nhật vua hàng năm, triều đình ban yến trước một ngày chợ thân phiên, hoàng thân và quan văn tòng ngũ phẩm, quan võ tòng chánh tứ phẩm trở lên ở điện Cần Chánh và hai nhà Tả Vu, Hữu Vu. Ngày chính tiệc thì ban yến cho quan văn chánh lục phẩm, quan võ chánh ngũ phẩm và ủy viên ở Viện Ðãi Lậu. Tùy theo thứ bậc mà tặng thêm đồ vật: đồng tiền vàng bạc, khánh vàng, bạc hoặc hầu bao bằng gấm. Sau lễ yến, còn mời đến Thanh Phong Các xem trò vui.
- Tiệc yến tiết Vạn thọ đại khánh
Ðây là yến tiệc lớn nhất mà triều đình tổ chức để mừng thọ nhà vua nhân các dịp tròn năm (tứ tuần, ngũ tuần...). Nhà vua ban yến cho hoàng tử, thân công, bách quan, văn từ 6 bộ, phủ Nội vụ, Vũ Khố, Thái Thường, Quang Lộc, Hàn Lâm từ chánh thất phẩm trở lên; Từ Tế, Khâm Thiên Giám, Tào Chính, Thương Bạc, Thái Y, Quốc Tử Giám, Hộ Thành binh mã từ chánh lục phẩm trở lên; võ từ thực thụ suất đội trở lên... đều được dự yến một lần và thưởng cấp lụa màu và bạc nén. Riêng các ấm sinh ở Quốc Tử Giám thì cũng được dự yến ở Duyệt Thị Ðường. Ðến thời Thiệu Trị, năm 1846, lễ Tứ tuần đại khánh của nhà vua gặp vào năm có tháng nhuận, tổ chức đến hai lần. Quan lớn thì ăn yến ở sân rồng; quan ở xa không về dự thì được tặng quà bằng lụa và bạc. Dân kỳ lão 70 tuổi trở lên, nếu ở kinh thì cho ăn yến trong ba ngày; ở các tỉnh thì cho ăn yến một ngày.
- Tiệc yến tiết Trùng dương
Hàng năm, nhân tiết Trùng cửu (ngày 9 tháng 9 Âm lịch), vua ban yến tiệc ở cho thân phiên và hoàng thân, các quan văn từ tứ phẩm, ấn quan; võ từ tòng nhị phẩm, đình nghị trở lên; cùng các tôn tước quận công, thống chế đến chầu thăm tại Tả Vu và Hữu Vu, lại thưởng cho đồng tiền vàng hoặc bạc; cái bàn bằng gỗ đào có khắc bốn chữ: "tị ác diên thọ" (trừ cái xấu để dài tuổi thọ), cờ đuôi nheo có chữ cát tường, cái túi đựng thuốc thù du[6] và cái kim có quấn chỉ ngũ sắc. Sau yến tiệc, vua chuẩn cho các thân công, đình thần theo chân lên núi Ngự Bình vãn cảnh. Ðến thời Thiệu Trị, ngoài núi Ngự Bình, nhà vua còn sai sắm xa giá lên gác Hải Tĩnh Niên Phong để thưởng lãm.
- Tiệc yến hoàn thành lễ cày ruộng tịch điền
Vào mùa xuân, triều đình thường tổ chức lễ diễn canh, sau đó đích thân nhà vua sẽ xuống ruộng cày để khuyến nông và cầu cho mùa màng được phong đăng hòa cốc. Sau lễ ấy nhà vua trở về vườn Thường Mậu, ban yến một lần cho thân phiên, hoàng thân, quan văn từ tòng tứ phẩm, quan võ từ hiệp quản trở lên. Sau đó lại thưởng thêm sa, đoạn cho họ, tùy theo thứ bậc để thưởng nhiều hay ít.
- Tiệc yến mở Sử quán để làm sử cáo thành
Năm 1821, vua Minh Mạng cho dựng Quốc sử quán để biên soạn quốc sử, thực lục. Nhà vua gia ân ngày 6 tháng 5 âm lịch là ngày mở sử nên ban yến một lần. Những viên chức công tác trong Quốc sử quán không được dự yến thì được ban thưởng theo thứ bậc.
Tử Cấm thành và cả Hoàng thành Huế nói chung bị thiệt hại nặng bắt đầu với chiến lược tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh sau khi quân đội Pháp cố tái chiếm Đông Dương.[7] Từ trước ngày 19 Tháng Chạp năm 1946 điện Kiến Trung, điện Cần Chánh, cung Càn Thành, và nhiều dinh thự khác bị Việt Minh triệt hạ hoàn toàn. Đến nửa đêm 19 thì lực lượng Việt Minh đặt mìn giật sập cầu Tràng Tiền để cản đường quân Pháp.[8]
Hơn 20 năm sau trong "Chiến dịch Mậu Thân 1968", quân đội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chiếm thành Huế và giao tranh dữ dội với Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong 25 ngày làm Kinh thành Huế thêm hư hại nặng, đặc biệt là khu vực Tử Cấm thành.
Các di tích bên trong Tử Cấm thành[sửa | sửa mã nguồn]
Hiện nay (5/2008), khu vực Tử Cấm Thành nhiều công trình đã bị san phẳng chỉ còn là phế tích. Năm 2006, Nhà nước cho trùng tu một số hạng mục công trình trong Tử Cấm Thành với kinh phí lên đến 82,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào dịp Festival Huế 2008.[9]
Tả Vu và Hữu Vu[sửa | sửa mã nguồn]
Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, và cải tạo vào năm 1899. Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ; đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc.
Vạc đồng[sửa | sửa mã nguồn]
Tại cố đô Huế hiện còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc đồng là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời. Trong số đó, 11 chiếc được đúc từ thời các chúa Nguyễn, còn 4 chiếc được đúc vào thời Minh Mạng.
Điện Kiến Trung[sửa | sửa mã nguồn]
Điện Kiến Trung trong Tử Cấm thành (Huế) được vua Khải Định cho xây vào năm 1921-1923 cùng thời gian với xây lăng để làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung. Sau này, vua Bảo Đại cho tu sửa lại điện, tân trang các tiện nghi Tây phương và cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại đây.
Điện Cần Chánh[sửa | sửa mã nguồn]
Điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành (Huế), được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Điện là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn, hiện nay đã trở thành phế tích do bị phá huỷ từ năm 1947.
Thái Bình Lâu[sửa | sửa mã nguồn]
Thái Bình Lâu được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành, là nơi để nhà vua có thể nghĩ nghơi lúc rảnh rỗi, cũng là chỗ để nhà vua đọc sách, viết văn, làm thơ, thư giãn.
Duyệt Thị Đường[sửa | sửa mã nguồn]
Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826) nằm bên trong Tử Cấm Thành, là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần xem biểu diễn các vở tuồng. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch.
- ^ Có tài liệu [1] ghi năm Minh Mạng thứ 3 (1822)
- ^ Cố Cung - Tử Cấm Thành Bắc Kinh
- ^ Tham khảo "Quần thể di tích Huế", tác giả Phan Thuận An, Nhà xuất bản Trẻ, xuất bản năm 2007, Trang 49-66
- ^ Đời sống trong Tử Cấm thành, tác giả Tôn Thất Bình. Nhà xuất bản Đà Nẵng 2007. Trang 67
- ^ Đọc thêm "Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ", Nội các triều Nguyễn, quyển 97 và 98, bàn về yến tiệc trong cung
- ^ Thuốc trừ tai họa theo điển tích có từ thời Ðông Hán bên Tàu (Chú thích của Trần Đức Anh Sơn)
- ^ Duncanson, Dennis. Government and Revolution in Vietnam. New York: Oxford University Press, 1968. tr 166
- ^ Hà Thúc Ký. tr 131-2
- ^ Huế khôi phục hành lang Tử Cấm Thành
- Tử Cấm thành trên trang web Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế.
- Hà Thúc Ký. Sống còn với Dân tộc, hồi ký chính trị. ?: Phương Nghi: 2009.
- Phan Thuận An. Kiến trúc Cố đô Huế. ?: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007.
- Phan Thuận An. Quần thể di tích Huế. ?: Nhà xuất bản Trẻ, 2007.
- Tôn Thất Bình. Đời sống trong Tử Cấm thành. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007.
No comments:
Post a Comment